Đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.

September 15, 2012

NHO GIÁO VÀ KITÔ GIÁO - Phần 1


NHO GIÁO VÀ KITÔ GIÁO
Phản Tỉnh Về Mối Tương Khắc Giữa Hai Ý Hệ*

Trần Văn Ðoàn
Chính Giáo, Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Giảng Sư, Viện Triết Học và Tôn Giáo Việt Nam, Washington D. C.

* Bài thuyết trình tại khóa thứ ba của Viện Triết Học và Tôn Giáo Việt Nam, 08. 2000, Washington D. C., U.S.A. Bài này viết vào năm 1998 tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội Trung Hoa, Bắc Kinh, và được sửa lại cho hợp với đề tài của khóa học.


DẪN NHẬP

Khổng Tử
Tiểu luận này không chỉ là một bản văn có tính chất lịch sử ghi lại quá trình hơn 4 thế kỷ về sự tương quan giữa Khổng giáo và Kitô giáo tại Trung Hoa. Ước vọng của tác giả đi xa hơn, nhắm đệ trình một số nguyên lý cho công việc đối thoại giữa hai nền ý hệ (ideology) trên, nhất là trong bối cảnh của xã hội Việt Nam. Như chúng ta biết, một trong những nguyên do chính yếu của sự bách hại đạo Kitô vào triều đại Tự Ðức, Minh Mạng là do sự xung khắc giữa nho gia (đại biểu là nhóm Văn Thân và quan lại) và các nhà truyền giáo. Nói một cách chung, nguyên do của sự xung khắc không phải chỉ là một sự hiểu lầm nào đó, song là do sự khác biệt văn hóa, về lối suy tư, về cách sống. mà đàng sau đó là những tranh chấp về quyền lợi. Thế nên, chúng tôi thiết nghĩ, sự xung đột xẩy ra không phải vì đạo lý của Kitô giáo hay đạo nghĩa của Khổng học. Chính vì thế, chúng tôi nhận định sự thiết yếu của một cuộc đối thoại, để tìm ra đạo lý chung hợp cho một người Kitô-hữu-Việt. (1)

Vào năm 1988, dịp Hội nghị Quốc tế về Siêu hình học tại Ðài Bắc, chúng tôi đã đưa ra một chương trình đối thoại giữa Kitô giáo và các ý hệ cũng như các tôn giáo bạn tại Trung Hoa(2). Tiểu luận sau đây là một trong những suy tư, đề nghị một số nguyên lý cho công việc đối thoại giữa Kitô giáo và nho giáo. Công việc tìm hiểu nguyên do sự tương khắc giữa các nền ý hệ chỉ là một bước đầu cho công việc đối thoại. Ðể đối thoại, chúng ta không chỉ hiểu biết đối phương, mà còn phải đưa ra những phương thức và mục đích mà cả hai bên có thể chấp nhận. Bản văn sau đây được viết từ bối cảnh của Trung Hoa, tuy rằng mục đích chính của chúng tôi nhắm về Việt Nam. Bắt đầu với lịch sử tương khắc giữa nho gia và các nhà thừa sai tại Trung Hoa, một phần vì chúng tôi nhận thức rằng, nho gia Việt bị ảnh hưởng của giới Hán nho, một phần khác vì tác giả chưa nắm vững những tư liệu liên quan tới sự xung khắc giữa hai ý hệ tại Việt Nam (3). Tuy thế những suy tư này không chỉ hạn hẹp vào công việc hiểu biết nguyên do của sự bế tắc trong cuộc đối thoại giữa nho gia và Kitô hữu tại Trung Hoa và tại Việt Nam, song còn nhắm vào công việc xây dựng một nền tảng cho cuộc đối thoại giữa các hệ thức và tôn giáo, như giữa Phật giáo và Kitô giáo, Phật giáo và Khổng giáo, Kitô giáo và chủ thuyết xã hội, vân vân... Luận văn của chúng tôi gồm bốn phần chính: Phần thứ nhất phản tỉnh về tinh thần của sứ mệnh rao giảng tin mừng cũng như mục đích chính của hai nền ý hệ: giải thoát và phục vụ con người. Phần thứ hai tóm lược quá trình của sự gặp gỡ giữa hai nền ý hệ. Phần thứ ba nêu lên sự bế tắc của cuộc đối thoại; và phần cuối cùng đệ trình một số nguyên tắc hay điều kiện để xúc tiến cuộc đối thoại. Qua loạt bài nghiên cứu về các ý hệ, và triết lý tỷ giảo, chúng tôi thiết nghĩ, sự thành công hay thất bại của sứ điệp Kitô không nên giải thích theo số lượng của "người theo đạo," song phải được hiểu từ phẩm chất của sứ điệp. Chỉ khi nào tinh thần của sứ điệp thấm nhập vào cuộc sống của con người, tin mừng mới có thể trở thành Phúc âm. Nói rõ hơn, tin mừng chỉ có thể được coi là phúc âm nếu sứ điệp của Ðức Kitô có thể giải quyết được những vấn nạn của con người, và đem lại hạnh phúc trường cửu cho muôn dân. Trong tinh thần này, đối thoại với Khổng giáo, hay các tôn giáo khác không có nghĩa là một công trình biện giáo (defentio) hay hộ giáo (apologia), nhưng là một cố gắng đi tìm và giải quyết những vấn nạn sinh tồn của con người. Nói một cách khác, đối thoại nhắm đến hội nhập, và qua hội nhập đến sự hoàn hiện con người (4).

I. TƯƠNG NHẬP, HỘI NHẬP HAY SÁT NHẬP?

Nếu nhìn từ số lượng của người theo đạo, thì lịch sử truyền bá tin mừng tại Trung Hoa, Nhật Bản cách riêng, và tại Á châu cách chung (trừ Phi Luật Tân), có thể được nói như là một lịch sử của một ''thất bại'' cay đắng. So với những thành công rực rỡ tại phương Tây, nhất là sau thời hoàng đế Constantinus vào thế kỷ thứ tư sau kỷ nguyên, với những thành đạt khích lệ tại Phi châu và Nam Mỹ gần đây, thì dùng tiếng ''thất bại'' quả thật không có chi quá đáng. Thống kê quá khiêm tốn của số tín hữu tại Á châu (chưa tới 1% tại Trung Hoa và Nhật Bản, tại Ấn Ðộ, Nam Dương, Thái Lan...) chứng minh một cách hùng hồn sự thật chua cay này. Tuy nhiên, nếu chúng ta cho rằng lượng tính chưa phải là tiêu chuẩn tất yếu để xét đoán sự thành công hay thất bại, và con số ít ỏi này vẫn có thể biểu tả được một phần nào sự hiện diện của giá trị Kitô giáo, thì thực tế chứng minh là chúng ta lầm. Sự thực là, tuy văn minh 'vật chất' Âu Mỹ gần như chiếm đoạt ngôi vị bá chủ, thì ngược lại đó là sự gần như hoàn toàn vắng bóng của tinh thần Kitô giáo trong nền văn hóa và tổ chức xã hội của các nước Viễn Ðông, và Ðông Nam Á này. Ðây mới chính là sự "thất bại" mà chúng tôi muốn nói đến.

Trong quá khứ, Giáo hội thường viện lẽ ''bị cấm cách,'' ''địa lý xa xôi,'' ''khó khăn ngôn ngữ,'' và nhất là ''khác biệt tâm thức'' để giải thích ''thất bại.'' Những lý lẽ trên tuy không sai song chưa đủ vững. Giáo hội sơ khai bị bách hại một cách khốc liệt hơn. Sự khó khăn về ngôn ngữ, tâm thức (từ Do Thái tới Hy Lạp, từ La Tinh tới những nền văn hóa khác biệt), cũng như với kiến thức thô sơ của các tông đồ tiên khởi, đã không ngưng bước tiến của Giáo hội. Thực vậy, trí thông minh, khả năng ngôn ngữ, lòng can đảm và tâm hồn hăng say của các nhà truyền giáo vào những thế kỷ gần đây chứng minh rằng, những lý do trên thực ra chưa phải là những yếu yố quyết định sự thành công của công việc rao truyền tin mừng. Vậy thì nguyên do chính yếu nằm tại đâu?

Chúng tôi thiết nghĩ, con số khiêm tốn của tín hữu chưa nói lên được sự thất bại thực sự của công trình truyền giáo. Thực vậy, ngay cả số lượng khá khả quan như tại Việt Nam, hay rất khả quan như tại Phi Luật Tân cũng chưa đủ để chứng minh sự thành công của công việc truyền giáo. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính của sự ''thất bại'' nằm ngay trong tâm thức ''truyền giáo,'' và trong phương thế ''truyền giáo.'' Nói một cách rõ ràng hơn, nguyên nhân tất yếu giải thích sự thất bại này (1) nằm trong tâm thức ''đế quốc'' (imperialist) của Giáo hội (5), (2) tiềm tàng trong lối hiểu và giải thích tin mừng một cách một chiều, trong cái nhìn lệch lạc về các nền văn hóa khác, và (3) trong sự sai lầm của ý hệ độc tôn. Nơi đây từ ngữ ''đế quốc'' được hiểu một cách rộng rãi hơn chủ nghĩa đế quốc trong lãnh vực chính trị. Chúng tôi dùng từ ngữ ''đế quốc'' để diễn đạt một tâm thức thống trị, tự cao, tự đại; tự cho mình có quyền giống như cha, như chúa trên mọi nền văn minh khác. Lối giải thích giáo ngôn của đức Kitô ''Các con hãy đi rao truyền tin mừng cho muôn dân, và rửa tội họ" theo kiểu "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, và rửa tội họ'' nói lên tâm thức ''đế quốc'' này (6). Tương tự, vị ''thừa sai'' hay mang sứ mệnh (missionarius) được dịch một cách ngạo mạn thầy ''giảng đạo," và người ''rao giảng tin mừng'' (evangelist) được dịch một cách lệch lạc nhà (vị) ''truyền đạo,'' hay một cách ngạo mạn ''cố Tây'' hay "cố Ðạo." (7) Khi mà Giáo hội huấn luyện các thừa sai theo một tâm thức như vậy, thì tất nhiên là các ông tự cho mình một sứ mệnh cao cả đi ''ban ơn huệ'' và ''đem ánh sáng'' giải thoát ''dân man di mọi rợ.'' Tâm thức ''đế quốc'' được hợp lý hóa bởi sự thành công của người da trắng trong các lãnh vực kinh tế, quân sự, khoa học. Và nhất là khi những cường quốc da trắng đô hộ các nước ''nhược tiểu,'' thì cái đạo của họ, những vị thừa sai của họ, đương nhiên phải ưu việt hơn giới sư sãi, nho gia và giáo sy (8) của các nước bại trận. Tâm thức ''đế quốc'' do đó là một ''đạo lý tất nhiên,'' và thái độ từ chối đối thoại với các tôn giáo bạn là một ''hành vi tất yếu'' phát xuất từ tâm thức trên.

Cũng trong một mạch văn như vậy, khi dùng danh từ ''ý hệ độc tôn,'' chúng tôi muốn diễn đạt lối nhìn một chiều, tự cho mình có độc quyền mang một chân lý duy nhất. Lẽ dĩ nhiên những lối nhìn trên đã bị Công Ðồng Vatican với những hiến chế như Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen gentium) gạt bỏ, song tâm thức đế quốc và ý hệ độc tôn vẫn còn ám ảnh tâm não của nhiều vị truyền giáo, và ngay cả giới lãnh đạo của giáo hội địa phương vào thời đại của chúng ta.

Thực ra tâm thức đế quốc và ý hệ độc tôn không chỉ thấy nơi các nhà truyền giáo, mà còn hơn thế nữa, cũng từng được ôm ấp bởi chính giới nho gia và quan lại. Tâm thức đế quốc của nho gia cũng đã từng được hợp lý hóa bởi chính quyền lực (chính trị, giáo dục) từng tập trung trong tay của đại sỹ phu. Và ý hệ độc tôn cũng đã từng là nguyên nhân của sự bài bác các tôn giáo khác tại Trung Hoa, nhất là trước đời Ðường (bài bác Phật giáo và Lão giáo), và ở Việt Nam trước nhà Lý. Ngay vào thời đại hiện nay, tâm thức này vẫn còn được một số nho gia hiện đại ôm ấp. Họ vẫn còn sống trong ảo tưởng về sự hiển vinh của nền nho học, sự vinh quang của chế độ nho gia và uy thế của nho giáo trong qúa khứ. Họ vẫn tiếp tục bóp méo tinh thần của Ðại Học (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), và cho rằng mục đích chính của nho học là ''bình thiên hạ'' mà ''bình'' mang nghĩa ''thống trị'' và ''làm chủ''. Sự thất bại của nho gia (cả bảo thủ lẫn cấp tiến như Khang Hữu Vi, Ðàm Tử Ðồng tại Trung Hoa) dưới bàn tay của các nhà tân học (1919-1923) cũng như của Cách mạng Văn hoá (1968-1976), cũng như tại Việt Nam, sự việc các nho gia bị nhóm Tây học như Tự Lực Văn Ðoàn diễu cợt, những phê phán nặng lời vẫn không làm các tân nho gia nầy vỡ mộng. Họ vẫn còn xác tín vào cái ảo tưởng của quyền uy và vinh quang trong quá khứ, mặc dầu ý thức được hiểm họa cũng như sự quyến rũ vật chất "tối rượu sâm banh sáng sữa bò" của tân học:

"Cái học nhà nho đã hỏng rồi,

Mười người đi học chín người thôi."

Theo thiển kiến của chúng tôi, khi mà cả Khổng giáo lẫn Kitô giáo đều ôm ấp một ý hệ độc tôn; cả hai đều mang trong một huyết thống bản chất ''đế quốc'' và cả hai đều cố ý bóp méo ''tin mừng'' hay ''đạo lý nguyên nho'' để bảo vệ ''quyền lực'' hay để quảng bá ''lãnh địa'' thì bất cứ một đối thoại nào cũng sẽ thừa thãi và vô nghĩa (9) . Từ nhận thức này, để đối thoại, chúng ta không những cần phải tìm ra những khó khăn, mà hơn thế nữa, phải xây dựng nguyên lý cũng như phương pháp để thắng vượt vấn nạn, và đạt tới mục đích của cuộc đối thoại. Vậy thì sự đối thoại giữa Kitô giáo và nho giáo phải được đặt trên nền tảng nào? Phải dựa theo tiêu chuẩn nào? Phải có thái độ nào? Và phải áp dụng phương pháp chi? Ðây là những câu hỏi then chốt, mà bất cứ cuộc đối thoại nào cũng phải có. Chúng tôi thiết nghĩ:

(1) Ðối thoại phải có những mục đích cụ thể và rõ ràng. Mục đích này không phải là quyền lực, hay lợi tức vật chất thiển cận, hay chỉ để chứng minh ưu thế, tính chất ưu việt hay một tâm trạng cao sang của mình. Mục đích của đối thoại giữa các tôn giáo phải là những mục đích cao thượng mà cả hai tôn giáo hay ý hệ đeo đuổi. Giải thoát con người, giải quyết những vấn nạn tất định của nhân sinh, đem hy vọng tới cho nhân loại, vân vân... đây là những mục đích cao quý chung mà bất cứ tôn giáo nào cũng phải theo. Thế nên, đối thoại phải được đặt trên nền tảng của câu hỏi: Làm thế nào để giải thoát con người khỏi đau khổ, bất công? Làm thế nào để đem lại hy vọng cho con người? Làm thế nào để phát triển nhân sinh? Và nhất là làm thế nào để tạo ra hay đạt được một sự sống vĩnh cửu?

(2) Tương tự, phương thế đối thoại phải công chính và hợp lý, cũng như phải dựa trên tính chất của khách quan, khoa học, được cả hai bên công nhận. Thế nên những câu hỏi ''chúng ta phải làm thế nào?'' ''dùng phương thế nào?'' ... để đạt tới những mục đích trên mới chỉ là những mục đích thứ. Tuy thế, chúng rất quan trọng cho bất cứ một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và ý hệ nào.

(3) Thái độ của hai bên phải thành tâm, trong tư thế kính trọng đối phương, cũng như tôn trọng bình đẳng. Nơi đây, điều kiện tiên quyết là người đối thoại phải ''luận sự'' chứ không ''luận nhân.'' Người đối thoại phải hướng về những mục đích cao thượng, với cái nhìn khoa học, chứ không được hướng về quyền lực, hay một mục đích không liên quan khác. Trong quá khứ, như chúng tôi vừa trình bày một cách đơn diện, tâm thức đế quốc và ý hệ độc tôn thường dựa trên những quan niệm như ''quyền lợi'' (interests), ''quyền uy'' (authority), ''quyền lực'' (power), "quyền bính" (phát xuất từ tôn ti trật tự và truyền thống (hierarchy, tradition). Tâm thức này bị ám ảnh bởi sự ''ưu việt'' (priority), biệt chọn (elitism), đặc quyền (priviledges) và tâm não ''chiến thắng'' (triumphalism), hay bị ảo tưởng của ''tuyệt đối'' (absolutism) làm mù quáng. Với thái độ như thế, chúng ta không thể có được một cuộc đối thoại theo đúng nghĩa. Một lối đối thoại dựa trên tâm thức đế quốc và ý hệ độc tôn chỉ là độc thoại; hoặc đúng hơn, một phương thế tuyên truyền cho họ. Một cuộc đối thoại thiếu những điều kiện căn bản trên chỉ là một bạo lực ngôn ngữ; và một cuộc đối thoại thiếu thực tâm chỉ là một sự thao túng (manipulation) mà thôi.

(4) Ngôn ngữ phải minh bạch, được hai bên hiểu thấu triệt. Ngôn ngữ của mọi dân tộc, tuy khác nhau (trong cách diễn đạt, kết cấu, văn phạm, vân vân), song nếu ngôn ngữ đều chỉ ra đối tượng rõ rệt, đều biểu tả một ý niệm rõ ràng, đều nói lên một khát vọng cụ thể... thì sự hiểu lầm sẽ được giảm bớt rất nhiều(10).

Dựa trên những điều kiện có tính chất giống như tiên nghiệm (quasi-transcendental conditions) trên (11), chúng ta tiến thêm một bước đi sâu vào trọng tâm của cuộc đối thoại, tức luận đàm về mục đích cũng như phương thế của cuộc đối thoại. Chính sự khác biệt về mục đích cũng như phương thế là nguyên nhân chính yếu giải thích sự xung đột giữa các nền ý hệ cũng như giữa các tôn giáo.

II. TỪ TƯƠNG TỚI KHẮC - Lịch sử cuộc tranh chấp

2.1. Từ Khách Tới Bạn: "Hữu bằng tự viễn phương lai" (12)

Tinh thần Kitô giáo dựa trên tình yêu phổ quát của Thượng Ðế dành cho nhân loại. Thế nên, thừa sai là người được Chúa sai đi để công bố rao truyền tin mừng về tình yêu Thiên Chúa (13) cho muôn dân. Theo nền thần học Du-An (Ioannine Theology), thì chỉ có tình yêu Thượng Ðế mới có thể đem lại cứu rỗi và trường sinh cho con người. Theo nền thần học Bảo-Lộc (Pauline Theology), chính sự tử nạn và cuộc phục sinh của đức Kitô đã biểu hiện tình yêu vô biên và phổ quát của Ngài đối với nhân loại. Quan trọng hơn nữa, chính tình yêu của Người mới có thể giải thoát con người khỏi tội lỗi (gian ác, tối tăm, tai họa, vân vân).

Trên lý thuyết và trên thực tế, không ai có thể chối từ tình yêu Thượng Ðế, nếu tình yêu của Người đưa lại giá trị tuyệt đối giải thoát con người và đem lại cho chúng ta trường sinh. Là một sinh vật có lý trí, không ai tự hủy diệt sinh mệnh. Họ cũng không hủy hoại sinh mệnh của tha nhân nếu sinh mệnh của họ tùy thuộc vào tha nhân. Con người càng không thể từ chối sinh mệnh nếu sinh mệnh đó là một trường sinh bất tử. Sự thực cho chúng ta thấy là trong bất cứ một xã hội nào, con người luôn luôn đi tìm sinh mệnh, bảo vệ sinh mệnh, và phát triển sinh mệnh để đạt tới mức trường sinh. Vậy nên, từ chối sinh mệnh nói lên tình trạng thiếu lý trí, thiếu phán đoán, hay tuyệt vọng mà thôi.

Trong một mạch văn như vậy, chúng ta không thể hiểu được tại sao người ta có thể từ khước đức Kitô, nếu Ngài chính là sinh mệnh, là sự sống vĩnh cửu. Theo thiển kiến của chúng tôi, không ai có thể từ chối. Họ từ chối Kitô giáo, là bởi vì họ chưa nhận ra tất cả sự thực, hay còn nghi ngờ lòng thành, hay sứ điệp, hay nói rõ hơn, họ sợ ăn bánh vẽ. Vậy thì, sứ mạng loan truyền tin mừng phải là sứ mạng truyền sự sống. Ðức Kitô đã biểu hiện tình yêu vô biên khi Ngài truyền chính sinh mệnh cho tất cả mọi người. Như chúng tôi đã nói trên, đã là một con người có lý trí, thì không có ai có thể từ khước sinh mệnh.

Thế nên, bất cứ ai, từ chối ''theo Ðạo,'' điều này không mang nghĩa là họ từ chối sinh mệnh, hay coi thường tin mừng loan báo cứu độ, song rất có thể là họ chưa hiểu, hay hiểu sai sứ điệp tin mừng. Rất có thể là họ chưa nhận ra Ðạo. Mà sự việc ''chưa hiểu,'' ''hiểu sai'' (ngộ nhận), "hiểu lạc" hay "chưa nhận ra" Ðạo có lẽ là do ngôn ngữ, cách diễn đạt, phương thế biểu hiện (nghi lễ) của nhà thừa sai; cũng có thể do sự khác biệt về tâm thức của người bản xứ; hoặc là cũng có thể do chính nội dung của tin mừng (quá mới lạ, quá xa lạ hay quá táo bạo). ''Chưa hiểu'' hay ''hiểu sai'' nội dung tin mừng cũng có thể là hậu quả tất nhiên của sự việc là nội dung của tin mừng không dễ chứng minh hay thực hiện. Người vô thần không chối bỏ những giá trị tuyệt đối, song họ nghi ngờ vì chúng ta không thể chứng minh một cách khoa học cho họ, hay làm cho họ hiểu nổi nội dung của những giá trị tuyệt đối mà chúng ta từng tuyên xưng. Chính vì vậy, chúng tôi chủ trương cho rằng công việc đầu tiên của sứ mệnh rao giảng tin mừng chính là sự truy tầm phương thế: làm thế nào để cho người bản xứ hiểu thấu triệt nội dung của tin mừng. Do đó, nếu chúng ta có thể chứng minh cho họ xác thực tính (tức giá trị khoa học), hữu dụng tính (tức giá trị thực tiễn) cũng như yếu tính (tức điều kiện tiên quyết) của tin mừng; nếu chúng ta có thể cống hiến cho họ những phương tiện hợp lý để đạt được tin mừng; và nếu chúng ta có thể đưa tình yêu của Thượng Ðế cho họ, thì công việc rao giảng tin mừng của các vị thừa sai có lẽ đã không gặp quá nhiều khó khăn. Trong đoạn này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự kiện là các nhà truyền giáo đã "truyền" tin mừng thì ít (14), mà tuyên xưng (rao giảng) sự cao sang, tuyệt đối, quyền lực của Giáo hội Tây phương thì nhiều! Họ đã ít chú ý tới việc phải nêu ra xác thực tính, hữu dụng tính và yếu tính của Kitô giáo trong việc tạo, bảo vệ và phát triển sinh mệnh. Thay vì thế, họ quá chú trọng đến con số theo đạo, đến những người sang trọng theo đạo (15), đến việc tổ chức Giáo hội một cách khoa học, và dùng cái "mã" này đễ biểu hiện sự cao sang của Kitô giáo. Nói một cách khác, các nhà truyền giáo (trừ một số các vị thừa sai tiên khởi tại Trung Hoa, Nhật Bản và Ấn Ðộ), đã đặt trọng tâm vào công việc ''thu phục,'' ''khắc phục,'' hay ''cải đạo'' tức "trở lại đạo" (16) (conversio) qua phép rửa tội và lập giáo hội địa phương, nhưng không chú trọng đến ba điểm liên quan trực tiếp tới nội dung của tin mừng mà chúng tôi vừa trình bày trên.

Hậu quả của một lối nhìn ''lệch hướng'' về sứ mệnh thừa sai, làm các nhà truyền giáo đặt trọng tâm của công việc rao giảng vào công việc khắc phục người "lương,"(17) giúp họ trở lại (conversio), và xây dựng giáo hội (hay nhà thờ). Con số lượng ''tân tòng'' chứng minh sự thành công hay thất bại của công việc truyền giáo. Ðể khắc phục người bản xứ, nhất là nhóm nho gia, các vị truyền giáo phải chứng minh sự siêu việt của Kitô giáo qua (1) trí tuệ thông minh hơn người của họ; (2) đưa ra cái sai của các đạo giáo khác (thí dụ phê bình Phật giáo và Ðạo giáo), và một cách gián tiếp (3) dựa vào quyền lực của các xứ ''theo đạo Kitô,'' và gần đây dựa vào cái bã ''giàu sang kinh tế,'' ''thế lực chính trị'' và ''bộ máy quân sự'' của các xứ này. Trong đoạn này, chúng tôi sẽ cố gắng tóm tắt lịch sử của tranh chấp vào ba giai đoạn: giai đoạn một của các thừa sai dòng Tên, dùng sự khôn ngoan về khoa học, kỹ thuật cũng như tiểu xảo của Tây phương để chứng minh sự siêu việt của Kitô giáo; giai đoạn hai của các hội truyền giáo thuộc các dòng Phan Sinh, Ða Minh, Thừa Sai Ba Lê, vân vân... chứng minh sự tuyệt đối của giáo hội Thiên Chúa giáo (Công giáo) qua việc phê bình văn hóa, tập tục, giáo dục... của dân bản xứ; và giai đoạn ba, sau cuộc thất bại của Trung Hoa trước sự xâm lược của Bát Quốc Liên minh, và quan trọng hơn, sau cuộc chiến gia phiện, các nhà truyền giáo dựa vào thế lực của đế quốc hay thực dân để truyền đạo (hay đúng hơn, để quảng phát giáo hội trong các lãnh vực giáo dục, từ thiện). Ðiểm phải nói là, một khi giới nho gia nhận ra khoa học không có liên quan gì với Kitô giáo; rằng quyền thế đi đôi với chính trị, quân lực, và kinh tế chứ không có chi liên hệ tới Kitô giáo; và nhất là, quyền lực ưu việt đã không giải thoát, ngược lại biến họ thành nô lệ. Họ càng thấm thía rằng, các thừa sai đã chẳng giúp họ tăng thêm quyền uy, mà ngược lại, thâu tóm quyền lợi của ho (18). Như vậy thì chúng ta chẳng lạ gì sự việc họ phản kháng Kitô giáo một cách quyết liệt.

2.2. Matteo Ricci và Phương Pháp Hội Nhập

Matteo Ricci (Lợi Mã Ðậu) là một trong số ít thừa sai hiểu rõ được bản chất cũng như sứ mệnh của thừa sai. Theo ngài và các bạn đồng dòng, rao truyền tin mừng tức rao truyền phương thế để hiểu tin mừng. Tiên sinh là một trong số ít thừa sai đặt trọng tâm vào công việc truyền bá tin mừng, chứ không vào sự kiện lôi kéo người ngoại đạo ''trở lại đạo'' hay ''vào đạo.'' Thế nên, để cho người Hoa nhận thức được nội dung của tin mừng, Ricci đi tìm một phương thế thích hợp với tâm tình, nếp sống và tổ chức xã hội của người Hoa. Linh mục nhận định rằng, nếu chỉ áp dụng một phương thế, ngôn ngữ cũng như tâm não Tây phương, người bản xứ sẽ không dễ dàng thấu hiểu được ý nghĩa cũng như tinh thần và yếu tính của tin mừng. Một nhận thức như thế thực ra đều thấy nơi các tu sỹ thừa sai dòng Tên tiên khởi, từ Alessandro Valignano (đặc sứ của dòng Tên phụ trách Viễn Ðông, và bề trên tỉnh dòng Ấn Ðộ) tới Matteo Ricci, Michaele Ruggieri, Giulio Aleni, (và lẽ tất nhiên, Roberto de Nobili tại Ấn Ðộ), đã tiếp tục con đường của thánh Francis Xavier, tìm cách học hỏi phương thế, lối suy tư cũng như cách sống và cơ cấu xã hội của thời Minh mạt và Thanh khởi. Nói cách chung, chúng ta nhận thấy các nhà truyền giáo dòng Tên đã áp dụng phương thế bản vị hóa vào trong công cuộc rao giảng tin mừng. Các ngài học tiếng bản xứ, vận y phục của giới lãnh đạo văn hóa và tôn giáo. Ricci và Ruggeri từng cạo đầu vận cà sa vào lúc đầu, sau đổi sang mặc y phục của giới nho gia. Các ngài để râu, đội mũ của giới sỹ phu và sử dụng ngôn từ (văn ngôn) của nho học. Hơn thế nữa, các ngài nhận ra trọng điểm của văn hóa Hoa là chính Khổng học. Chính vì thế mà các ngài cố gắng học Tứ thư, Ngũ kinh, và dùng từ ngữ văn học để viết về đạo lý Kitô. Tác phẩm Thiên Chúa Thực Nghĩa (19) của Ricci là một trong những kết qủa của chương trình bản vị hóa này. Trong tác phẩm này, Ricci dùng triết học của nho gia đời tiên Tần để giải thích những tín điều của Kitô giáo và dùng văn ngôn để dịch những chuyên ngữ thần học, khoa học, thiên văn... Thí dụ Thiên, Thiên Chúa, hay Thượng Ðế để diễn đạt Deus; lý hay thiên lý để dịch Logos, ngược lại với một số nhà truyền giáo tại Nhật đã giữ nguyên ngữ La-tinh và chỉ phát âm theo Nhật âm (20) hoặc các nhà truyền giáo tại Việt Nam dùng ngôn ngữ đại chúng (thí dụ Chúa Trời (B'Loi, Loi), Bà Maria...) (21) Dĩ nhiên, nhiều vị truyền giáo, và ngay cả một số nho gia từng nghi ngờ về sự tương xứng của hai nền tư tưởng, cũng như ngôn ngữ. Một số nhà thừa sai cho rằng ngôn ngữ Ðông phương (Hoa ngữ) không thể diễn đạt mầu nhiệm của Kitô giáo, trong khi nho gia cho rằng, các vị thừa sai như Ricci ''đánh lận con đen'' dùng ngôn ngữ nho học để ''bịp'' hay ''quyến rũ'' người trí thức bản xứ.

Mặt khác, Ricci đi xa hơn. Tiên sinh nhận ra được trọng điểm của đối thoại: để giới nho gia có thể chấp nhận đối thoại, phải làm cho họ nhận thức được mục đích (tức lợi ích và lợi tích) của đối thoại. Thứ nhất, Ricci tạo cho họ một cảm tưởng, Kitô giáo chính là một đồng minh quan trọng giúp họ phê bình Phật giáo và Ðạo giáo, tức ''kẻ thù'' của nho giáo. Thực vậy, Ricci đã từng viết một số tác phẩm chứng minh đạo lý của hai nền tôn giáo trên là ''phi lý,'' ''phi nhân,'' ''yếm thế,'' ''mê tín,'' ''dị đoan.'' (22) Thứ đến, ngài mang lại cho họ những kiến thức như toán học, thiên văn học (địa đồ thế giới), sửa lại lịch (23). Ngài cống hiến cho họ những sản phẩm mới lạ như đồng hồ, địa bàn. Những nho gia theo đạo như Từ Quang Khải, Lý Chí Tảo và Dương Ðình Quân là những người thần phục kiến thức quảng bác của Ricci (24). Do đó, ta có thể nói là Ricci và các bạn đồng dòng thuyết phục được một số nho gia, và về sau được thiện cảm của Thanh đế Khang Hy nhờ vào ''kỳ tài'' của họ và nhờ vào việc họ nhận ra được sở thích, cũng như khuynh hướng áp dụng khoa học để phát triển quốc gia và bảo vệ quyền lực của giới cầm quyền nho gia (25).

2.3. Từ Bạn tới Thù: Khi Chủ Nhân Bị Quên Lãng

Thế nhưng, khi giới Nho gia nhận ra rằng, địa vị của họ dần dần bị các nhà truyền giáo ''tiếm đoạt.'' Sự ưu ái của Khang Hy, cũng như uy thế của các nho gia theo đạo làm giới nho gia cảm thấy quyền lợi của họ bị đe dọa. Từ đây, hào quang của ''kỳ tài Lợi-Mã-Ðậu'' (tên tiếng Hoa của Ricci) dần dần lu mờ. Nhất là sau khi Ricci qua đời, các nhà truyền giáo càng ngày càng mất ảnh hưởng nơi nho gia. Phản ngược lại, giới đại sỹ phu, và nhất là giới sư sãi bắt đầu viết bài phê bình chỉ trích cũng như nói xấu Kitô giáo và các nhà truyền giáo. Sự thù nghịch càng ngày càng gia tăng cho đến vụ ''Nam Kinh Giáo Án'' năm 1617 (đời Thần Tông nhà Minh), lần đầu tiên các nhà truyền giáo bị trục xuất ra khỏi Trung Hoa (26). Sự thù nghịch đi đến tột độ với sắc lệnh cấm đạo của vua Dung Chính (1723-1735) nhà Thanh, và được vua Càn Long (1736-1795) tiếp tục. Trước Dung Chính và Càn Long, Khang Hy (1654-1722), đã từng rất thiện cảm với Kitô giáo. Nhà vua đã phong quan cho nhiều thừa sai như J. Bouvet, Jean de Fontaney, D. Parentin, và nhất là rất trọng dụng John Adam Shall von Bell (tức Thang Nhược Vọng) và Ferdinand Verbiest (tức Nam Hoài Nhân, 1623-1668). Hai nhà thừa sai sau đã chế tạo nhiều công cụ khoa học như viễn vọng kính, và cả vũ khí như đại bác giúp nhà vua. Chính vì thế mà, vào năm 1692, Khang Hy ban hoàng lệnh khoan hồng Kitô giáo, coi Kitô giáo như Phật giáo, được tự do truyền đạo và tổ chức giáo hội (27). Song cũng chính Khang Hy, khi bị Tông tòa La Mã hạ nhục gạt bỏ ý kiến của nhà vua về nghi lễ Trung Hoa (28), đã ra lệnh trục xuất thừa sai, phá bỏ nhà thờ cũng như ra sắc lệnh bất hợp pháp hóa Kitô giáo tại Trung Hoa (29). Trong đoạn này, chúng tôi xin được phép tóm lược một số nguyên nhân dẫn tới sự xung đột giữa nho gia và các nhà truyền giáo:

(1) Sự Khác Biệt về Mục Ðích.

Khi người Hoa nhận ra rằng, mục đích của các nhà truyền giáo không phải là giúp triều đình hay liên kết giới nho gia để chống lại thế lực của Phật giáo, song là để truyền đạo. Khi màTây dương bị hiểu lầm, thường bị đồng nghĩa với quyền lực; nhất là khi thế lực của người Tây phương càng ngày càng mạnh áp đảo thách thức giới nho gia quan lại, thì người ta không chú ý, hay không nhận ra mục đích rao giảng tin mừng nữa. Một khi không có tin mừng mà chỉ có tin buồn (mất thế lực, mất quyền lơị, bị áp đảo...), lẽ đương nhiên là giới đại sĩ phu sẽ tức tối và báo thù. Sự hiểu lầm tai hại này không phải chỉ do lỗi của giới nho gia, mà hơn thế nữa, do chính các nhà truyền giáo. Họ quá nóng lòng với việc lập giáo hội địa phương, xây cất nhà thơ (30), gây ảnh hưởng với chính quyền. Chú ý là tuy Ricci từng hy vọng có thể gặp hoàng đế, dựa vào thế lực của nhà vua để truyền giáo, song ngài không vội xâ nhà thờ, hay lập giáo đoàn. Nhất là khi tình hình chính trị thay đổi,và khi thực dân đế quốc bắt đầu để ý đến miếng mồi béo bở Trung Hoa, các vị truyền giáo đã không sát cánh với người Hoa, mà còn dựa vào thế lực ngoại lai để truyền giáo (31). Hans Kùng, một thần học gia nổi tiếng của đại học Tùbingen viết (khá đúng): '' Và công việc truyền giáo - cả Công giáo lẫn Tin lành - vào lúc bấy giờ (thế kỷ 19) hoàn toàn phù hợp với sự tính toán đế quốc của các cường quốc Âu châu." (32)

(2) Can Thiệp Nội Bộ

Sự hiểu lầm gia tăng sâu hơn, khi giáo hội La Mã trực tiếp can thiệp vào nội bộ của Trung Hoa, và đồng minh với đế quốc vào thế kỷ 19. Ngay sau thời Ricci, La Mã đã từng có một thái độ như thế. Rõ ràng nhất là việc La Mã can thiệp vào nghi lễ người Hoa, gây ra vụ án nghi lễ. Chúng ta biết, sau Nam Kinh Giáo Án là một thời gian gần 70 năm công khai thù nghịch. Sự cố gắng và nhiệt tâm của các nhà khoa học dòng Tên đã làm các vua nhà Minh và hoàng đế Khang Hy hòa hoãn và tỏ ra có thiện cảm nhiều với Kitô giáo. Năm 1692 nhà vua ra sắc lệnh khoan hồng (Edict of Toleration), và các nhà truyền giáo được giảng đạo công khai. Thế nhưng khi nhà vua gởi một phái đoàn tới La Mã năm 1701 để giải thích về nghi lễ của Trung Hoa (trong tòa án phán xét nghi lễ Trung Hoa do các linh mục dòng Ða Minh và dòng Phan Sinh yêu cầu tố tội dòng Tên), thì họ được trả lời lạnh nhạt là ''Khổng Tử không phải là thần thánh chi cả, nhưng chỉ là một đại sư,'' rằng ''Việc thờ cúng tổ tiên không được phép coi như là nghi lễ, song chỉ là sự tưởng nhớ,'' ''rằng Thượng Ðế và Thiên chỉ Vua trên Trời, dưới Ðất và mọi tạo vật.'' (33) Dạy thế chưa đủ, năm 1704 Giáo chủ Clemens XI ban sắc lệnh ra vạ tuyệt thông cho tất cả những ai tiếp tục áp dụng nghi lễ Trung Hoa, thờ kính tổ tiên, kính bái Khổng Tử, và dùng từ ngữ Thượng Ðế và Thiên (34). Từ đây, La Mã dạy người Hoa, chỉ được phép dùng chữ Thiên Chúa. Nói tóm lại, Tông tòa La Mã gián tiếp đòi hỏi "Ai muốn giữ đạo, hoặc nhập đạo phải từ bỏ là người Hoa.'' (35) Ðối với một hoàng đế tự cho mình là chúa tể của trung tâm thế giới (Trung Quốc), bị đối xử như thế là một quốc nhục, bị ''man nhân'' can thiệp vào nội bộ. Chúng ta không ngạc nhiên khi Khang Hy tức bực, ra sắc lệnh cấm đạo vào năm 1717, cho phép tàn phá các nhà thờ, và bắt các Kitô hữu phải bỏ đạo. La Mã phản ứng quyết liệt hơn. Năm 1742, Giáo chủ Biển Ðức XIV (Benedictus XIV) ra tông huấn Ex quo singulari, tuyệt cấm nghi lễ Trung Hoa. Ta thấy rằng công trình của Ricci và dòng Tên đã hoàn toàn bị phủ định một cách cay nghiệt. Trong quá trình của tranh chấp này, sự khác biệt về ý nghĩa của nghi lễ Ðông phương chỉ là một cơ chế giấu hai mục đích hoàn toàn khác nhau; tuy rằng mục đích khác nhau của họ liên quan tới quyền bính (36), hay vụ lợi (37).

(3) Sự Sai Lầm về (Phương Pháp) Sách Lược và Chiến Lược

Như chúng tôi đã trình bày, Ricci đã áp dụng phương thế bản vị hóa, và cùng một lúc, hiện đại hóa. Ðồng thời, ngài cũng áp dụng chiến thuật ''liên minh với Nho gia để phê bình Phật giáo và Ðạo giáo.'' Ngoài ra, Ricci vẫn còn mang ảo tưởng của bài học Constantinus, tin là nếu có thể cải hóa một vị hoàng đế, thì có lẽ tất cả nước Trung Hoa sẽ ''trở lại'' đạo. Tuy trọng tâm của luận văn này chú trọng đến phương pháp bản vị hóa của ngài, bởi vì nó có giá trị cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và hệ thức, đoạn này xin được phép bàn sơ qua về phương thế truyền giáo của tiên sinh. Về phương thế liên minh nho gia, hay phê bình Phật và Ðạo giáo, chúng tôi thiết nghĩ, sách lược của ngài đúng, song chiến lược của ngài sai. Sự sai lầm của chiến lược do sự thiếu hiểu biết của ngài và các bạn đồng dòng về Phật giáo và Ðạo giáo, về tâm thức của người Hoa, và nhất là sự thiếu đồng nhất nơi các hội đồng và các nhà truyền giáo.

Thứ nhất, khi phê bình Ðạo giáo và Phật giáo, Ricci nghĩ có thể làm vui lòng giới đại sỹ phu. Thực ra linh mục chưa nhận ra được là trong dân gian, và ngay cả nơi giới trí thức và quan lại, tam giáo đã ''đồng nguyên'' ngay sau đời nhà Tống. Thí dụ, ngay trước thời Tống, tức vào thời Tam Quốc (403-222 B.C), Ðạo giáo và Khổng giáo đã bắt đầu lẫn lộn trong dân gian. Sau thời Tống, tư tưởng Phật giáo đã biến đổi nho giáo, y hệt như nho giáo đã gây một ảnh hưởng sâu đậm trong Phật giáo Trung Hoa. Thế nên, chúng ta có thể xác quyết là, nhiều nho gia cũng từng bị ảnh hưởng của đạo Lão. Thế nên, chiến lược ''phân để trị'' của Ricci thất bại ngay từ đầu khi tiên sinh công kích quan niệm trường sinh bất tử của Ðạo giáo. Ðằng khác, vì không hoàn toàn thấu triệt văn hóa Trung Hoa, và nhất là Ðạo giáo, Ricci đã quên đi rằng, tâm thức của người Hoa là một tâm thức ''tổng hợp'' (38). Họ tuy là nho gia, song bái Phật, và sống theo kiểu Ðạo gia. Về điểm này, chúng tôi đã trình bày trong một luận văn về sự khác biệt giữa tâm thức Tây phương và tâm thức Ðông phương. Nơi đây, chúng tôi chỉ xin phép nhấn mạnh một điểm, đó là lối suy tư nhất nguyên (chỉ có một chân lý, một nền tảng) và nhị nguyên (theo phương thức đúng-sai, thật-giả, trắng-đen, trời-đất...) mà Ricci áp dụng giảng đạo đã không thành công, vì không hợp với tâm thức đa nguyên và tổng hợp của người Hoa. Ðiểm đáng nói là, Ricci và các bạn đồng dòng đã cố gắng rất nhiều trong việc làm Kitô giáo thành Công giáo, hay một đạo phổ quát cho tất cả mọi người. Và do đó, một trong những phương thế mà tiên sinh áp dụng là hội nhập văn hóa. Giáo sư Sebes viết: ''Nói cho cùng, Ricci đã không tìm cách bắt người Hoa phải theo hệ thống triết học của Aristotle, hoặc bất cứ hệ thống nào khác, nhưng ngược lại, ngài tìm cách giải tỏa Kitô giáo khỏi một hệ thống tương tự, cũng như mọi yếu tố phi Kitô giáo thấy trong nền văn minh Tây phương. Kitô giáo là Công giáo, hay một đạo phổ quát cho tất cả mọi người. Và do đó, một trong những phương thế mà ngài áp dụng là hội nhập văn hóa." (39)

2.4. Chính Sách Truyền Giáo

Hiển nhiên là Ricci đã không theo chính sách truyền giáo mà La-mã cũng như các hội dòng khác áp dụng. Không phải tiên sinh nhận ra cơ chế có tính cách chính trị, từng bị các nước lợi dụng, hay khám phá ra tham vọng về quyền lực của các hội đồng thừa sai, mà ngài nhận thấy sách lược (hay phương pháp) truyền giáo không thể áp dụng cho Trung Hoa, và những nước có một nền văn hóa cao độ. Ðể hiểu sự khó khăn của Ricci cũng như phương thế hội nhập, trong đoạn này, chúng tôi chỉ xin trình bày một cách sơ lược về giai đoạn lịch sử khá rắc rối này.

Vào thời Ricci, công cuộc truyền giáo tại Viễn Ðông hoàn toàn đặt dưới sự bảo hộ của vua nước Bồ Ðào Nha. Dòng Tên là một hội dòng duy nhất được giao sứ mạng truyền giáo. Tuy Ricci là người Ý, Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) là người Avignon, song tất cả phải tuân lệnh của bề trên tổng dòng và hoàng đế nước Bồ, bởi vì triều đình Bồ được đặc quyền do Tông tòa La Mã ban cho. Ai vào Trung Hoa qua các ngã đường khác sẽ bị vạ tuyệt thông ! Thế nên, đến Trung Hoa hay Việt Nam họ bắt buộc phải qua con đường Áo-Môn (tức Macao, đất nhượng cho Bồ). Tông thư Ex pastorali officio của Giáo chủ Gregorius XIII năm 1585 cấm các hội dòng khác không được truyền giáo tại Trung Hoa, đã giúp công việc hội nhập của Ricci rất nhiều, ít nhất là linh mục không bị thọc gậy bánh xe. Tiếc thay, khi thế lực của Bồ xuống dốc, và khi Tông tòa bị các nước Tin lành bắc Âu thách đố, La Mã bắt buộc phải dựa vào Tây Ban Nha, và nhất là Ba Lê. Mà các nước này gởi các hội dòng mà họ có thể sai khiến. Từ đây, các thừa sai phải theo lệnh của nhà vua nước bảo hộ dòng của họ. Tuy các Giáo chủ kế tiếp tìm cách giảm thế lực của các nhà vua với nhiều sắc thư, song tình hình không khả quan, vì La Mã thiếu tài chính và nhân lực cho công cuộc truyền giáo. Năm 1622, Hội Truyền Bá Ðức Tin (40) (Sacra Congregato per Propaganda Fide) được Giáo chủ Gregorius XV (trên ngôi 1621-23) thành lập. Giáo chủ Urbanus VIII (t.n 1623-1644) đặt nền tảng cho bộ với Tổng thư ký (bộ trưởng) tiên khởi là Hồng y Francesco Ingoli (1578-1649) (41). Từ đây các nhà truyền giáo phải nghe lệnh cùng một lúc hội dòng, hội Truyền Bá Ðức Tin và nước bảo hộ họ. Vì Hội chưa đủ lực, nên cuộc tranh chấp nội bộ không dễ dàng được giải quyết. Tình hình truyền giáo lúc bấy giờ được một giáo sỹ phụ trách tổng quản (tài chính) ở nước Bồ nhìn một cách bi quan, được giáo sư Donal F. Lach của đại học Chicago tóm lại như sau: ''Giáo sỹ (Antonio Albergati) nhận định tình trạng đáng buồn (của cuộc truyền giáo) là do việc đối đãi người bản xứ một cách tàn nhẫn, do cuộc sống buông thả của người Bồ, do sự kình địch cả đạo lẫn đời, do sự tranh chấp giữa các hội dòng, do sự ghen tỵ của những người thường về giai cấp đời, do việc đặt vấn đề linh thiêng dưới quyền lợi quốc gia và cá nhân. Vì thiếu một đường lối chung, các hội dòng nghe các nước bảo hộ hơn là Hội Truyền Bá Ðức Tin." (42) Họ công kích nhau, và tranh dành ảnh hưởng của nhau. (43) Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha (đa số dòng Ða Minh) hục hặc với Hội Thừa sai Ba Lê, trong khi đó các linh mục dòng khó nghèo Phan Sinh lại bận giờ đi tố tội các giáo sỹ dòng Tên. Ðàng sau họ là chính phủ Pháp của Louis XIV, của chính phủ Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha (hoàng đế Philipe III)... Việc truyền giáo do đó rất dễ dàng bị lợi dụng. Tuy Bồ Ðào Nha từng cảnh cáo một số thừa sai không được phép buôn bán, hay làm những gì có lợi ích cho cá nhân mình, công việc truyền giáo đã mang một tính cách chính trị mà Giáo hội không ngờ tới (44).

2.5. Vụ Án Nghi Lễ hay Tranh Chấp Quyền Lợi?

Phương pháp bản vị hóa của Ricci thực ra không được các bạn đồng dòng chia sẻ chấp nhận một cách nhất trí. Sau khi Ricci qua đời, người kế vị Ngài, giáo sỹ Niccolo Longobardo và một thừa sai khác, giáo sỹ Sabatno de Ursis, đồng ý với các vị thừa sai tại Nhật là cần phải duyệt lại những từ ngữ tín lý mà Ricci đã dịch và áp dụng. Tuy sách của Longobardo không được dòng Tên chấp nhận và phổ biến, sách này lại bị các tu sỹ dòng Phan Sinh, Ða Minh và dòng Thừa sai Ngoại quốc (Ba Lê) lấy làm điểm tựa, dựa vào đó để công kích Ricci và dòng Tên (45). Navarrete, một nhà truyền giáo thuộc dòng Ða Minh, là người chống đối nghi lễ Trung Hoa một cách quyết liệt nhất (46). Linh mục không những được sự ủng hộ của các thừa sai dòng Phan Sinh và Ða Minh, mà còn cả Hội Thừa sai Ba Lê, cộng thêm với một số giáo sỹ dòng Tên như Valentin Carvalho, Andre Palmeiro. Navarrete viết thư tố cáo Ricci với La Mã, và ngay cả với bề trên cả của dòng Tên. Lý luận của Navarrete rất đơn giản: ''Tất cả nghi lễ Trung Hoa, cũng như việc kính bái tổ tiên, Khổng Tử... đều là vô thần, hay phiếm thần, phản lại giáo lý Công giáo. Tất cả phải sa hỏa ngục.'' (47) Sự quyết liệt của Navarrete, sự thành công của công việc truyền giáo trong giới nông dân và chài lưới của Alfonso Vagnoni và áp lực của các chính phủ Pháp, Bồ và Tây Ban Nha đã khiến Tông tòa đứng hẳn về phía Navarrete. Vụ án nghi lễ kết thúc với sắc lệnh cấm nghi lễ Trung Hoa, và với việc trả thù, cấm đạo của Khang Hy, người mà các giáo sỹ dòng Tên đã đặt hết hy vọng vào, coi như là Constantinus của Ðông phương.

2.6. Nội Ưu Ngoại Dâu

Sự thiếu tôn trọng cũng như hiểu biết các đạo giáo khác; sự quá nóng ruột với số lượng trở lại đạo, và nhất là tâm thức thiếu hội nhập của các giáo sỹ, là nguyên nhân chính gây ra sự đổ vỡ của công trình hội nhập. Tuy thế, cũng phải kể đến sự tranh chấp quyền lợi, sự việc tôn giáo bị chính trị lợi dụng. Với một cái nhìn khách quan của một người không phải là Kitô hữu, cũng không phải là nho gia, sử gia Lữ Thực Cường (48) từng nhận định những lý do của sự xung đột như sau:

(1) Sự chống đối của Phật giáo: Nhất là khi các nhà truyền giáo phê bình cho những thuyết như luân hồi (samsara), niết bàn (nirvana), kiếp sinh là mê tín dị đoan. Các tăng ni càng tức bực khi các nhà truyền giáo chủ trương là con người có thể sát sinh động vật.

(2) Sự chống đối của giới đại sỹ phu: Nhiều nho sỹ đồng nghĩa Kitô giáo với quân xâm lược (của các nước Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan). Ðể bảo vệ Trung Hoa, họ bắt buộc phải chống các thừa sai từ phương Tây (nhất là khi họ chưa phân biệt được các nước Âu châu, các nhà truyền giáo và thương gia, vân vân). Họ cáo tội các thừa sai tội gián điệp (trường hợp Dương Quang Tiến tố cáo giáo sỹ John Adam Schall von Bell với Lễ Bộ vào triều đại Khang Hy.

(3) Khác biệt về hệ thức: Các nhà truyền giáo có một nhãn quan khác biệt về vai trò của Trung Quốc và địa vị bất khả xâm phạm của Thiên tử (hoàng đế). Nho gia như Thẩm Dung, Võ An Lâm, Khai Long, Dương Quang Tiến đổ tội cho các nhà truyền giáo coi thường Trung Quốc và hoàng đế của họ. Khi các nhà truyền giáo giảng thuyết rằng Thiên Chúa mới là Chúa tể càn khôn, và nước Người mới là Thiên quốc, họ đã gián tiếp phủ nhận ''Trung Quốc'' và chức vụ Thiên tử. Các nho gia và đại sỹ phu cho rằng, luận thuyết của các nhà truyền giáo trái tai vì ''thiên vô nhị nhất, đất vô nhị vương,'' và ''phổ thiền chi hạ, mạc phi vương thư, thoái thư chi bình, mạc phi vương thân.'' Tâm thức nho gia cho rằng Trung Hoa mới là trung tâm vũ trụ (Trung Quốc), các nước khác đều lệ thuộc vào Trung Hoa. Khi quan niệm này bị các nhà truyền giáo và các nước Âu châu thách đố, họ không thể không tức giận.

(4) Lý do thứ tư là thái độ bảo thủ của đại sỹ phu. Ðối với họ, nền nho học kinh điển mới đáng trọng. Những kiến thức cũ về Âm lịch (từ Tâm pháp luận đời Hán Vũ đế tới Thái Chu lịch đời Trịnh Bình Hạo, rồi Tam Thông lịch nhà Hán, Tứ Phán lịch đời Ðông Hán...) được coi như chân lý bất dịch. Thế nên họ phản đối Tây lịch cũng như bản địa đồ thế giới của Ricci. Tương tự họ cho thiên văn Tây phương là ''hoang đường, mê hoặc.'' Nói chung, đa số nho gia phản đối kiến thức khoa học, vì họ cho rằng những kiến thức này đi ngược lại với những kinh điển, nhất là kinh Dịch.

(5) Lý do thứ năm là một lý do ''tức cười'': các nho gia tố tội Kitô giáo mê tín dị đoan, giống hệt như các nhà truyền giáo từng phê bình Ðạo giáo và Phật giáo. Ðối với họ, các tín điều như Thiên Chúa, Tam vị nhất thể (Thiên Chúa ba ngôi), Thánh mẫu, mạc khải... là những điều phi lý không thể hiểu được. Mặt khác, việc các nhà truyền giáo công kích phong tục tập quán của xã hội người Hoa như phong thủy, địa lý, kiêng cách, luyện đơn, quỷ quái... là huyền hoặc mê tín càng làm đại sỹ phu tức giận. Phần ghen tuông, phần khó chịu với những lý thuyết của Kitô giáo, nho gia và sư sãi phóng đại tố tội các thừa sai với Dung Chính như sau: ''... khi mắc bệnh, không được phép uống thuốc mà phải đợi giáo sỹ; mà phụ nữ bị lột hết y phục khi chữa bệnh...'' Ðương nhiên, lời tố tội hoàn toàn sai lầm, song những tin đồn như vậy đã đến tai mọi người, và gây lên một hậu quả tai hại (49).

(6) Lý do thứ sáu phát xuất từ hai lối nhìn khác biệt về vai trò của con người. Ricci bị ảnh hưởng của nho giáo đời tiên Tần, nên giải thích Thiên và Thượng đế là Thiên Chúa có nhân vị, và là Chúa tể càn khôn. Trong khi tân nho, nhất là nhóm bị ảnh hưởng thuyết lễ lý của Vương Dương Minh, coi Thiên như đạo lý thuần túy. Tương tự Lâm Khải Long nhận định là thiên chỉ là thiên lý, tức là một luật tự nhiên: ''Thiên gia lý ngã, đế gia chúa tể nhi ngôn dã. Phụ thiên chi sinh dân, hữu vật bất hữu tắc, nhân năng thuận thiên lý, hiệp đế tắc, tứ hạ chủ tể vạn vật, đồng trị càn khôn, bộ vũ trụ chi khuyết hiện, chính đáng đại chi học thuật, ti ngộ nho chi sơ vi thiên chủ dã. Nhi thiên hạ dân vật, cách cú nhất thiên chủ dã." (50) Sự tranh chấp không chỉ vòng quanh hai quan niệm Thiên và Thượng đế, mà còn liên quan tới những khái niệm căn bản khác của nho và Ðạo như Thái cực, thiên đường, địa ngục. Trên nguyên lý, nho giáo cho rằng con người là căn bản, có thể trở thành Thánh và Thần. Quan niệm sáng tạo và thụ tạo đi ngược với quan niệm nhân bản của ho (51).
---Hết phần 1---
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...