- Viết bởi MS. TS. Lưu Hồng Khanh
- Chuyên mục: Lòng Tôi Nương Tựa Nơi Ngài
A. Chuẩn bị và khai nguyện:
- Tĩnh lặng – Tập trung – Ý thức
- Nhắc nhở lại khải tượng cuộc sống đức tin (x. Dẫn Nhập, 6-7).
B. Ðọc Kinh Thánh và Suy niệm:
- Ðọc Kinh Thánh: Thi Thiên 291 Hãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh,
dâng Chúa quyền lực và vinh quang!
2 Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người,
và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện!
3 Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước,
Chúa hiển vinh cho sóng nổ ầm ầm,
Chúa ngự trên nước lũ mênh mông,
4 Tiếng Chúa thật hùng mạnh,
Tiếng Chúa thật uy nghiêm.
5 Tiếng Chúa đánh gãy ngàn hương bá,
Chúa đánh gãy ngàn hương bá Li-băng.
6 Ngài làm cho dãy Li-Băng thành như bê nhảy nhót,
đỉnh Sirion khác nào nghé tung tăng.
7 Tiếng Chúa phóng ra ngàn tia lửa,
8 tiếng Chúa lay động vùng sa mạc,
lay động vùng sa mạc Ca-đê.
9 Tiếng Chúa lay động cả rặng sồi,
tuốt trụi lá cây cao rừng rậm.
Còn trong thánh điện Người,
tất cả tung hô: Vinh danh Chúa!
10 Chúa ngự trị trên cơn hồng thủy,
Chúa là vua ngự trị muôn đời.
11 Xin Chúa ban quyền lực cho dân Chúa,
tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.
Dẫn giải: .
Về TT nầy, chắc ta ít có dịp tiếp xúc. Truyền thống phụng vụ cũng ít khi dùng đến, nhưng nó lại là TT được các giới nghiên cứu về văn minh và tôn giáo rất ưa thích ham mộ, bởi nó mang một số đặc điểm đáng lưu ý trong lãnh vực nầy.
Ðặc biệt hơn cả, có lẽ vì TT nầy là TT cựu trào nhất. Các giới nghiên cứu cho rằng, nguyên ủy của TT nầy có lẽ là một ca vịnh thuộc lương dân xứ Canaan, một thổ dân đã trú ngụ ở Phalêtin trước khi dân Dothái đến. Ca vịnh tương tự như thế nầy cũng được tìm thấy trong các nền văn minh Ugarít (Thổ dân ở bờ phía đông Ðịa Trung Hải, ngày nay thuộc xứ Syri) và Babylon. Nội dung của ca vịnh là một ca khúc tán dương các thần linh: mỗi khi bão táp nổi dậy, nhất là ở miền rừng núi, thì con người cảm thấy một cái gì làm cho mình run sợ, cùng với một cảm nghiệm về một thế giới linh thiêng. Những cảm xúc nầy đã đưa họ đến những sáng tác dưới các hình thức thi ca và được diễn tả trong các khung cảnh tâm linh và tôn giáo.
Như thế, TT 29 nầy là một minh họa quan trọng cho việc dân thánh Chúa cũng đã biết đánh giá những thi ca tôn giáo của các dân tộc và các nền văn hóa khác, những dân tộc cũng đã từng đi tìm kiếm Chúa, cho dẫu không biết rõ danh tánh của Ngài. Sự kiện trên đã đưa lại cho tuyển dân Chúa những hiểu biết mới về con người và lịch sử.
Ðiểm đặc biệt nữa của TT là trong cấu trúc thi ca của nó. Người ta có thể gọi đây là "TT bảy tiếng sấm" hay "TT bảy tiếng kêu" hoặc đúng hơn nữa là "TT bảy tiếng Chúa": bởi trong nguyên văn Hibá, TT nầy đã dùng bảy lần từ "sấm", được dịch ra là "tiếng", và kết hợp với thuộc từ hay chủ từ trong câu nên cuối cùng trở thành "Tiếng Chúa", mà sấm là biểu tượng. Chính thông qua biểu tượng "sấm" cùng với những âm hưởng mà "sấm" gợi lên, con người cổ đại cuối cùng đã tôn ca "tiếng của Ðức Chúa Trời", tiếng Chúa vang rền trong tạo thành, trong cuộc sống con người và trong lịch sử.
Ngoài ra, TT còn trở nên đặc sắc hơn nữa, bởi từ nguốn gốc một ca vịnh lương dân Canaan, TT nầy xuyên qua lịch trình tiến triển của lịch sử cứu rỗi, vẫn cứ hằng được suy gẫm và tích tụ thêm nhiều hiểu biết và kinh nghiệm mới, để cuối cùng mang chứa trong mình những dấu vết của cả một truyền thống ngàn năm tôn ca và cầu nguyện của tuyển dân Chúa.
Danh thánh của Ðức Giêhôva trong toàn trương độ của sự Ngài hiện diện đã được diễn tả trong nguyên văn hibá: 18 lần, TT đã nhắc đến "Danh Ðức Giêhôva". Như thế, đây là một TT đầy dẫy "Danh Ðức Giêhôva", một TT làm vang vọng trong cuộc sống "Danh Thánh Chúa" như là "Ðức Giêhôva", nghĩa là "Ðấng Tự Hữu Hằng Hữu" và là "Ðấng Giải Cứu" (XH 3:14). - Suy niệm:
Tiếng thời gian, tiếng thời đại - Tiếng Chúa:
Trong lịch sử hội thánh và lịch sử linh đạo, ta vẫn đã thường nghe nói "tiếng thời gian, tiếng thời đại" là "tiếng Chúa". Thánh Linh Ðức Chúa Trời trong suốt lịch sử tạo thành và cứu rỗi, vẫn hằng luôn lên tiếng nói với con người: quan trọng nhất là thông qua lời Ngài nói trong Kinh Thánh, và tiếp đó là qua lời rao giảng, qua tiếng lương tâm, qua các biến cố sinh sống của con người và lịch sử. Từ đó mà ta có danh ngôn: "tiếng thời gian - tiếng Ðức Chúa Trời": "vox temporis - vox Dei". Từ latinh "tempus" có nghĩa là "thời gian" mà cũng có nghĩa là "thời tiết". Ý nghĩa song kết nầy lại càng súc tích, làm cho ta hiểu thêm được về những điều được diễn tả trong TT . Vậy "tiếng thời gian" và "tiếng thời tiết" trong TT muốn nói lên những gì?
TT 29 của chúng ta nói nhiều đến "tiếng thời tiết", đến những năng lực nhiệm mầu và sinh động của trời đất, của thiên nhiên, như con người mọi nơi và mọi thời vẫn chứng kiến và cảm nghiệm, nhất là ở những vùng rừng sâu và núi cao, cùng với những thác ngàn lũ lụt, với những biển cả nổi sóng. Con người của văn minh thành thị chúng ta ngày nay ít còn có dịp để nghe được những "tiếng gầm thét của thời tiết", nhưng vẫn không hiếm khi còn có cơ hội để nghe được những "tiếng huyền diệu của thiên nhiên" đưa ta về với những sự thật vĩnh cửu của sinh mệnh con người : như những cảnh mặt trời mọc ở Biển Ðông, mặt trời lặn ở dãy Trường Sơn rừng già, sự yên lặng như thời gian dừng bước ở vùng Cao Nguyên, ngọn gió mát một buổi chiều hè, hay một đêm mùa thu đầy trăng sao. TT ở đây mô tả "tiếng nói của thiên nhiên", tiếng nói mà con người cần biết nghe, biết hiểu, để thoát ra được khỏi những náo nhiệt và xáo trộn của cuộc sống hằng ngày, và từ đó tập trung mình về lại được với con người tâm linh, với cái chân ngã của mình.
Nhưng khi con người tâm linh đã trở nên "thính tai nhậy cảm" đối với tiếng nói của thiên nhiên, thì – giống như Chúa Giêsu xưa kia trong Phúc Âm – một con chim sẻ, một cánh hoa dại, một giọt sương mai, tất cả những sự vật cho dù là rất nhỏ bé của trời đất thiên nhiên đều có thể là tiếng nói của Chúa, đưa con người về với nội tâm, với chân ngã, với Nguyên Ủy của sự sống là Ðức Chúa Trời.
Nhưng điều đặc sắc của TT chúng ta đang bàn, là trên hành trình cuộc sống của tuyển dân Chúa, TT xem "tiếng nói của thời tiết thiên nhiên" như là "tiếng nói của thời gian lịch sử" trong đó con người thể hiện cuộc sống của mình: bởi những biến cố của thời tiết thiên nhiên đã là những hình ảnh để nói về những biến cố lịch sử lớn lao mà Ðức Giêhôva đã làm cho tuyển dân Chúa, như các biến cố xuất khỏi Êdíptô, vượt qua Biển Ðỏ, đi trong hoang địa, đến chân núi thánh: những biến cố và những khoảnh khắc thời gian trong đó tuyển dân nghe được "tiếng nói của Ðức Giêhôva, của Ðức Chúa Trời". Và như thế, "tiếng thời gian" đã trở nên "tiếng Chúa".
Người ta còn có thể đọc TT nầy dưới lăng kính của tín nhân Cơđốc/Kitô., bằng cách nghĩ tới những biến cố trong Phúc Âm, trong đó tiếng của Ðức Chúa Trời và tiếng của Chúa Giêsu đã kêu gọi đổi mới cuộc sống con người nên cuộc sống của những kẻ được cứu. Chúng ta nghĩ đến "tiếng từ trời" nhân phép rửa/baptem của Ðức Giêsu: "Nầy là Con yêu dấu của Ta" (Mt 3:17); nghĩ đến tiếng của Chúa Giêsu làm cho gió lặng trên biển hồ Tiberia; đến tiếng kêu thảm thiết của Ngài trước khi chết, tiếng kêu đã thay đổi hướng đi của lịch sử; chúng ta cũng nghĩ đến tiếng gió thổi mạnh đi kèm Thánh Linh được đổ xuống trên hội thánh sơ khởi, như Công Vụ của các Sứ Ðồ đã tường thuật (CV 2).
Sau cùng, đối với mỗi một người trong chúng ta, TT cũng là lời chỉ dẫn cho ta khám phá ra "Tiếng Chúa" trong sinh mệnh cuộc đời ta, trong cuộc sống hằng ngày của bản thân, xã hội, thế giới và lịch sử: tiếng Chúa kêu gọi, thúc đẩy, nhắn nhủ..., tiếng Chúa bẻ gãy những bất công và bạo lực, tiếng Chúa nâng đỡ những yêu thương và tha thứ, tiếng Chúa tháo mở tất cả mọi thứ gông cùm nô lệ của ác nghiệt và hận thù để mở rộng cho ta cánh cửa của tự do, chân thực và giải thoát.
Ðó là "Tiếng Chúa" nhiệm mầu và sinh động vẫn còn luôn mãi dóng lên giữa chúng ta, khi Tin Mầng Chúa được rao giảng và khi sức mạnh của Thánh Linh Chúa điều động chúng ta hi sinh, bỏ mình và dấn thân cho công việc Nhà Chúa. Và để diễn tả theo ngôn ngữ của TT, đó là "Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước... Tiếng Chúa đánh gãy ngàn hương bá... Tiếng Chúa lay động núi đồi và sa mạc...". Ðó là "tiếng của đức tin" có thể dời núi chuyển sông, tiếng của Chúa nay trở nên tiếng của con người, tiếng được nhập tâm vào mình, tiếng được trở nên hiện diện trong sinh mệnh của chúng ta và thúc đẩy chúng ta can đảm làm chứng cho tiếng sự thật, sự công chính và sự giải thoát của Chúa.
TT 29 nầy như thế đã loan báo và rao giảng tiếng Chúa nhiệm mầu và sinh động, tiếng Chúa tác tạo trong thiên nhiên, trong lịch sử của tuyển dân, trong cuộc sống của Ðấng Christ và trong cuộc sống của mỗi một người chúng ta. TT đó cho ta biết rằng, thế giới, lịch sử và cuộc sống của con người đều được tiếng Chúa cưu mang, tác tạo, dắt dìu, hướng dẫn và ban cho tràn đầy sinh lực và sự sống.
Ngợi ca tôn kính Chúa – Bình An cho con người:
TT được khai mở bằng một lời kêu mời tôn ca Chúa: "Hãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh, dâng Chúa quyền lực và vinh quang! Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện!" (cc.1-2). Chúng ta được kêu mời nhìn biết, tình yêu thương của Ðức Chúa Trời là thực tại cao cả và độc nhất. Chúng ta được mời gọi phủ phục kính tôn quyền năng của Ðấng Christ phục sinh, Ðấng đã sai phái Thánh Linh đem lại tràn đầy sự sống cho trần gian, và làm cho ta cảm nghiệm được bàn tay cai quản đầy sức mạnh của Chúa trong yếu hèn, bạc nhược, lo sợ và nhỏ bé của bản thân mình và chung quanh ta.
Sau lời kêu mời tôn ca trên đây và sau những lời trịnh trọng công bố tuyên xưng tiếng nói đầy quyền năng của Ðức Chúa Trời trong thiên nhiên tạo thành và trong lịch sử của tuyển dân, TT đã kết thúc bằng một lời "đoan hứa" (theo bản dịch của HTTLVN): "Ðức Giêhôva sẽ ban sức mạnh cho dân sự Ngài, Ðức Giêhôva sẽ chúc phước bình an cho dân sự Ngài" (c.11), hoặc một lời "cầu xin và chúc nguyện" (theo bản dịch của NPDCGKPV): "Xin Chúa ban quyền lực cho dân Chúa, tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an" (c.11). Lời đoan hứa và chúc nguyện "bình an" nầy là lời kết thúc TT, đó là lời cuối cùng của TT trong bản văn hibá: "schalom".
Tiếp theo sự tôn ca quyền năng cao cả của "Tiếng Ðức Chúa Trời" trong tạo thành, lịch sử và cuộc sống của tôi: là lời đoan hứa và chúc nguyện ơn sức mạnh và bình an. Nhìn biết và đón nhận tiếng Chúa trong cuộc sống như là sơ đồ kế hoạch, như là kêu mời thúc đẩy, như là công tác sứ vụ, điều đó có nghĩa là "Bình An cho con người".
Chuyển đưa tiếng Chúa vào cuộc sống như thế nào?
Ðể kết thúc phần suy niệm trên đây, ta có thể nêu ra một vài câu hỏi giúp chuyển đưa tiếng Chúa vào cuộc sống thực tế, theo như lời nhắn nhủ của các giáo phụ hilạp xưa kia: chuyển đưa tiếng Chúa "từ trên đầu xuống con tim", làm cho tiếng Chúa nên sinh động trong cuộc sống, làm cho ta lên tiếng ngợi ca và nhận được can cường sức mạnh.
- Câu hỏi thứ nhất: Tôi có nhìn nhận vị trí hàng đầu của lời Chúa trong đời sống tôi không? Tôi có chấp nhận cuộc sống của tôi như nó đã xẩy ra, và thâm tín nhìn nhận cuộc đời tôi là một ơn huệ Chúa ban cho, đồng thời là một sứ vụ Chúa ủy thác?
- "Tiếng thời gian là tiếng Chúa": Khi xem cuộc đời tôi như là tiếng nói của thời gian, và khi nhìn tiếng nói đời tôi dưới ánh sáng của Phúc Âm, tôi có nhìn ra được tiếng nói đời tôi là một ơn huệ và là một sự vụ lệnh của Chúa, và từ đây dâng lên Chúa lời tôn ca và cảm tạ?
- Mà nếu tôi không nhìn nhận ra được như thế, thì tôi phải tự hỏi: Tại sao? Tại sao tôi không nhìn nhận tiếng Chúa là ưu tiên trong đời tôi? Tại sao tôi không chấp nhận được cuộc đời tôi là có ý nghĩa? Tôi muốn tiếng nói nào khác? Làm sao tôi nhìn ra và thể hiện được tiếng Chúa gọi tôi trở nên một kẻ yêu thương, hiến mình, phục vụ, tôn ca và cảm tạ Ngài?
- Câu hỏi thứ hai được lời đoan hứa kết thúc của TT đặt ra: Bình An. Bình an - schalom – là sự thảnh thơi, hòa nhã, trật tự, cuộc sống thể theo lời Chúa, cuộc sống tương ứng với ý Chúa; Bình an là một ơn ban cho, khi ta mở lòng đón nhận sức mạnh của Chúa.
Vậy, câu hỏi được đặt ra: Tôi có được bình an không? Tôi có đưa bình an đến cho kẻ khác không? Tôi có thực hiện bình an trong gia đình, hội thánh, xã hội, các nhóm, các cộng đoàn, đất nước, dân tộc? Bằng việc gì, cử chỉ, hành động, lời nói gì? Ngay ngày hôm nay, ở đây, bây giờ?
C. Kết thúc và kết nguyện:
- Ðiều thực hành: Mỗi người chúng ta sẽ trầm lặng ra mắt trước mặt Ðức Chúa Trời, nương theo những câu hỏi nêu ra trong đoạn cuối cùng trên đây, rồi tìm ra cho mình một điều thực hành thích hợp.
Có thể một trong những điều thực hành sau đây:
- Mỗi ngày sáng và tối, cảm tạ ơn sinh thành, ơn hiện hữu Chúa ban cho;
- Nhìn biết và chấp nhận sự Chúa an bài trong đời sống tôi, cả những điều yếu hèn của tôi mà Chúa đã cho phép xẩy ra;
- Xin Thánh Linh soi sáng cho biết "sự vụ lệnh" Chúa đặt để trong đời tôi, xin Ngài Ban cho sức mạnh để chu toàn thực hiện;
- Ðể đem lại bình an cho gia đình, hội thánh, các nhóm bạn bè và đồng nghiệp: tôi sẽ thực hiện một cử chỉ, một thái độ, một lời nói cụ thể ... gầy dựng sự bình an.
- Lời kết nguyện:Tự mình đưa ra một lời cầu nguyện thích ứng với hoàn cảnh cá nhân và với điều thực hành. Cũng có thể lấy lại lời kết nguyện ở phần Dẫn Nhập, diễn tả sự trao gửi, phó thác và dâng hiến mình cho Ðức Chúa Trời.
- Câu hỏi thứ nhất: Tôi có nhìn nhận vị trí hàng đầu của lời Chúa trong đời sống tôi không? Tôi có chấp nhận cuộc sống của tôi như nó đã xẩy ra, và thâm tín nhìn nhận cuộc đời tôi là một ơn huệ Chúa ban cho, đồng thời là một sứ vụ Chúa ủy thác?
September 11, 2012
Bài 6: Tạo Thành - Nhiệm mầu và Sinh Động
